Chuyện cổ tích giữa đời thường

Chị Trần Thị Tuyết Nga

coder | 23.09.2022

CHUYỆN CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG …..
Cao Thị Ly – CN Biên Hoà

Căn nhà nhỏ của chị ngụ trong một xóm nghèo, nơi mà mấy năm trước gần như bị tách biệt với thế giới bên ngoài, mặc dù  nó  nằm  ngay  trung  tâm  thành  phố,  bởi  người  ta  gọi  đó  là “Xóm Cùi”. Người dân ở đây đa phần sinh sống bằng nghề ăn xin, bán vé số và làm thuê kiếm sống. Và chị Trần Thị Tuyết Nga là một trong số đó.

tran thi tuyet nga

Chị  sinh  ra  trong  một  gia  đình  nghèo.  Năm  21  tuổi  chị  đi  lấy chồng, cuộc sống của vợ chồng chị đúng như hình ảnh “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Hàng ngày chị đi làm thuê, chồng đi xây và các con nhỏ nhưng cuộc sống rất hạnh phúc. Cứ nghĩ gia đình rau cháo có nhau cứ thế trôi qua, nào ngờ chẳng được bao lâu thì chồng bị tai nạn mất. Cuộc sống như sụp đổ dưới chân chị, khi  đó  đứa  con đầu  mới  6  tuổi, và hai bé sinh đôi mới  được  hơn  tuổi. Nhìn những đứa  con  thơ  đầu đội khăn tang, chị như  chết  lặng  vì nỗi  đau  quá  lớn và  một  tương  lai mù mịt phía trước. Lúc đó chị tròn 27 tuổi. Tưởng như người phụ nữ ấy đã buông xuôi số mệnh.

Nhưng không, khi nghĩ tới những đứa con thơ cần được tiếp tục sống và phải sống khác bố mẹ, chị đã gạt nước mắt mà đứng lên. Hàng ngày chị gửi con về nhà ngoại và đi làm thuê ở tiệm nướng bánh từ lúc 3 giờ sáng đến tối mịt mới về. Chị làm bất cứ việc gì có thể để kiếm tiền lo cho các con ăn ngày ba bữa. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, khi đứa con gái út bị bệnh tim ngã bệnh. Một lần nữa chị như muốn gục ngã. Khó khăn chồng chất khó khăn, ngoài cái ăn cái mặc thì giờ đây khi các con đến tuổi đi học chị lại thêm nhiều chi phí khác phải trang trải, lo toan. Liệu giấc mơ đơn giản của chị là cho các con được học hành đầy đủ có thể thành hiện thực? Làm sao để có tiền cho các con học hành với số tiền ít ỏi mình kiếm được mỗi ngày? Những câu hỏi ấy liên tục quay cuồng trong đầu chị …

Rồi một ngày, chị được giới thiệu về CEP. Ban đầu chị nghĩ rằng CEP cũng giống như những tổ chức cho vay lấy lời khác. Nhưng dần dần chị nhận ra không phải như thế. Chị được vay mà không phải thế chấp bất kì tài sản nào cả, chị cũng không phải lo về các khoản phí ngoài cho bất kì ai, và điều đặc biệt là hồ sơ rất đơn giản. Chị không ngờ một người nghèo như chị, trong nhà không có tài sản gì quý giá lại vẫn có thể vay được một nguồn vốn an toàn như thế (điều mà trước đây chị chỉ nghĩ là phải vay nóng bên ngoài). Lần vay đầu tiên chị chỉ dám vay 3 triệu đồng để đóng học phí cho con, chị được các nhân viên CEP tư vấn rất nhiệt tình sao cho mức vay vẫn đảm bảo được mục đích sử dụng mà vẫn phù hợp với thu nhập để không gây khó khăn trong hoàn trả. Do hoàn cảnh của chị khá đặc biệt nên mỗi khi công tác gần nhà chị, nhân viên tín dụng CEP thường ghé thăm hỏi động viên. Từ đó chị đã thêm niềm tin vào cuộc sống. Qua thời gian chị vào làm công nhân cho xí nghiệp, thu nhập tuy thấp nhưng đã ổn định hơn và chị đã mạnh dạn vay những mức vay cao hơn, để mua máy tính, mua xe cho con đi học, sửa lại mái nhà lá thành nhà lợp tôn, tiền để chữa bệnh… căn nhà chị cũng từ đó mà có thêm các đồ dùng trong gia đình. Chính nhờ chương trình này chị đã có thể yên tâm làm việc mà vẫn có thể lo cho các con học hành. Bên cạnh đó, hàng năm khi tết đến chị lại nhận được những món quà của CEP trao tặng. Những món quà tết chỉ là dầu ăn, nước mắm, đường, bột ngọt, và gạo. Nhưng chị biết đó là tình người, là tấm lòng vàng của CEP; giúp cho cái tết của gia đình chị thêm ấm áp, đủ đầy. Hàng năm, đứa con gái út của chị nhận được học bổng của CEP, số tiền nhỏ nhưng đủ cho bé sắm sửa áo quần sách vở cho năm học mới, là món quà tinh thần động viên bé năm nào cũng phấn đấu học để được giấy khen…

Người phụ nữ nghèo không đầu hàng số phận. Bằng ý chí và nghị lực, chị đã viết nên một câu chuyện cổ tích bình dị mà thật giàu ý nghĩa giữa đời thường.

Thời gian thấm thoát trôi qua, bao nhiêu nước mắt, vất vả nhọc nhằn, đứa con lớn nay đã là cô sinh viên năm 3 khoa tài chính. Hai bé em cũng đã học lớp 11. Mặc dù hiện nay đang mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo như: u não, tiểu đường, nhưng khi nhìn các con ngày càng lớn khôn, ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, chị mỉm cười mãn nguyện. Đối với chị việc cho các con đi học và học thành tài là giấc mơ lớn nhất đời chị. Con gái lớn của chị đã bao lần muốn nghỉ học giữa chừng đi làm phụ mẹ nuôi em khi nhìn thấy chị quá vất vả. Nhưng chị đã kiên quyết không đồng ý, chỉ muốn các con càng thấy chị vất vả càng phải cố gắng vươn lên. Giấc mơ của cô bé là một ngày được trở thành nhân viên tín dụng khoác lên mình đồng phục mang dòng chữ CEP để có thể đi giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, và trao tiếp những giấc mơ.