Gánh tàu hủ

Chị Nguyễn Thị Thu Hương

coder | 23.09.2022

Gánh Tàu Hủ … “Ai tàu hủ không?”
Tiếng rao của mẹ – Tương lai của con.
Trần Phước Khoa – CN Thủ Dầu Một

Về  với  khu  phố  8,  phường  Chánh  Nghĩa  vào  những ngày đầu hè, giữa cái nắng chang chang như đổ lửa, mùi đất đỏ bốc lên và cái thấm mệt sau một buổi khảo sát. Con đường mòn đất đỏ mịt mù chạy dài đưa chúng tôi đến với  nhà  chị  Nguyễn  Thị  Thu  Hương,  là  một  khách hàng gặp nhiều khó khăn về kinh tế, là một gia đình có nhiều bất hạnh. Người chồng đi tìm hạnh phúc khác, bỏ lại một mình chị Hương với vóc dáng bé nhỏ, quanh năm bươn chải  để  lo  cho  cuộc  sống  mưu  sinh  của  cả  nhà  ,  bỏ  mặc hai con, đứa lớn đùm đứa bé trong căn nhà dột nát. Nghe tiếng nấc nghẹn ngào của con trai út của chị Hương, chúng tôi lại thấy rưng rưng, day dứt, nhất là khi Nghĩa nói : “Con chỉ ước ba về với con và mẹ, con mong ba sẽ không bao giờ bỏ đi nữa”. Niềm khát khao của cậu bé ở cái tuổi đáng lẽ không phải lo phải nghĩ biết bao giờ mới trở thành hiện thực?

Từ  đó,  giữa  năm  2010,  Chị được  CEP  hỗ trợ số tiền vay lần đầu là 3 triệu  đồng  để  bắt  đầu  một công  việc  là  bán  tàu  hủ. Hằng  ngày  với  gánh  tàu hủ trên vai, chị len lỏi trên những  con  đường  bụi  mù, hay những con ngõ sau hun hút,  trơn  trượt  sau  những cơn  mưa,  hay  vượt  qua những  lối  đi  nhỏ  hẹp  nằm giữa hai bên là những ngôi nhà cao thấp đan xen nhau.

nguyen thi thu huong

Thời gian đầu, nhờ sự ủng hộ của bà con lối xóm mỗi ngày chị kiếm được cho mình với khoảng tiền lời là một trăm ngàn đồng. Đến nay, trải qua 08 lần vay với số tiền đang vay là 7 triệu đồng, chị đã một phần nào cải thiện được một phần cuộc sống và nuôi hai con  đang  theo  học  lớp  6  và  lớp  9. Gánh tàu hủ của chị ngày càng được nhiều người biết đến vì cái vị ngọt của đường, vị cay của gừng và cái tình của một con người lam lũ. Giờ đây, một ngày với 2 gánh tàu hủ chị có thể kiếm cho mình từ một trăm tám mươi ngàn đến hai trăm ngàn.

Như cái mệnh trời đã an bài, giữa cái chốn đô thị này chẳng dễ gì để mưu sinh, nhưng họ vẫn sống và bám trụ nơi đây bởi cái nợ và cái tình nghĩa rất bền. Cái mà gọi là “nhà” ở đây, chỉ là một mái che, một chỗ để nằm mỗi khi đêm về, không vách, không cửa, có chăng chỉ là những mảnh bao tạm bợ để che nắng tránh mưa đang mục dần theo những ngày tháng. Càng thương hơn khi cái mái che ấy nằm trên vùng đất trũng nằm giữa hai bên kênh mương chằng chịt, lá dừa, cỏ lau đua nhau đan kín cả mặt người. Tài sản lớn nhất của căn nhà có lẽ là một cái tivi cũ và đường dây điện mang lại nguồn sáng cho gia đình, nhưng số phận cơ cực như gia đình chị vẫn không nằm ngoài mắt của những kẻ trộm, chúng lục lọi quần áo, đường dây điện của gia đình chị luôn bị cắt xén, làm cho con chị không dám ngủ ở nhà mỗi khi chị vắng nhà. Phải chăng, lối thoát cuối cùng là bỏ xứ ra đi để tìm một chân trời mới. Nhưng điều gì sẽ chắc chắn cho cái chân trời mới ấy sẽ sáng tươi hơn bây giờ, khi chị và các con từng ngày từng phút chỉ mong sao đủ gạo đủ cơm đế sống qua ngày. Dường như những giấc mơ ấy không thể là hiện thực khi cái vòng luẩn quẩn của nghèo khó cứ đeo nặng trên đôi vai của chị.

nguyen thi thu huong cum 5 khu 8 p chanh nghia

CEP đã đến với gia đình chị và trao tặng “ Mái Nhà CEP “ từ chương trình phát triển cộng đồng, với niềm tin về một tương lai tươi sáng sẽ đến với chị Hương và hai đứa bé.

Sau giờ học về, hai em trở thành những lao động của gia đình, phụ giúp mẹ để kiếm cái ăn, cái mặc để rồi tuổi thơ các em gắn với cái vật chất vô tri, vô cảm, một cái gì đó mờ mịt nơi tương lai. Nhìn hai em nước mắt cứ lặng lẽ trào ra vì những viễn cảnh mang đầy gam màu tối. Rồi các em sẽ đi về đâu, sẽ lại cơ cực nghèo khó như mẹ, ông bà của các em hay sao?. Với chương trình “Học bổng CEP” chúng tôi đã động viên hai em vượt lên số phận của mình, nỗ lực học tập và bốn năm liền được nhận học bổng từ CEP.

Phía trước sẽ là hy vọng, niềm tin và nụ cười. Khi chúng tôi  đến  đây  vẫn  có  sự  khát  khao  hạnh  phúc  tràn  đầy.  Ở đó, chúng tôi – CEP và thành viên sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Tuy có nghèo khó, thiếu thốn nhưng nhiều gia đình như chị Hương vẫn nồng hậu, ân cần và chúng ta những cán bộ nhân viên CEP cũng đến với thành viên bằng tất cả những gì chúng ta có, bằng khát khao của tuổi trẻ, khát khao được cống hiến. Cầu mong sao, chị và hai đứa bé có đủ sức khỏe và nghị lực để tiếp tục vượt lên  số  phận  và  đi  tiếp  chặng  đường  dài  phía  trước.  Với niềm tin và hy vọng vì một tương lai tươi sáng trong từng ngôi nhà, trên từng hẻm nhỏ mà CEP đã và đang đi tới.