Đôi vai gầy nặng gánh những lo toan

Chị Ong Thùy Trang

CEP | 23.09.2022

ĐÔI VAI GẦY … NẶNG GÁNH NHỮNG LO TOAN

Lê Huỳnh Bảo Trâm – CN TDM

Câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ nghèo không cam chịu số phận – Ong Thùy Trang

Trong một con hẻm nhỏ của xóm lao động thuộc thành phố Thủ Dầu Một huyên náo, nhộn nhịp là nơi  cư  ngụ  của  gia  đình  nghèo  gồm  ba  thế  hệ,  ngôi  nhà được dựng lên bằng những tấm tôn tạm bợ, mục nát cùng vách tường được mượn từ hai nhà hàng xóm. Lối đi duy nhất từ cửa chính ra đến bếp, khu nhà vệ sinh là không gian nhỏ hẹp, u tối, đầy ẩm thấp, mái nhà lốm đốm lỗ to lỗ nhỏ, vách tường phủ đầy những mảng rong rêu.

Từ những hình ảnh đầu tiên về ngôi nhà cũng đã toát lên một cách đầy đủ và chân thật nhất về hoàn cảnh đầy chật vật và khó khăn của một gia đình. Cuộc sống bắt đầu từ mái nhà thôi cũng đủ để khiến cho người ta phải buồn rầu.

Chị Ong Thuỳ Trang, 52 tuổi, là một khách hàng  vay  vốn  của  CEP  đã nhiều  năm.  Chị  là  lao  động  chính trong  gia  đình,  thu  nhập  của  cả  nhà chỉ trông chờ vào những đồng tiền ít ỏi từ việc bán vé số từ nguồn vốn vay CEP.

Chị  lại  mang  trong  người  căn  bệnh cao huyết áp, vậy nên việc đi về mỗi ngày trên những con đường lúc nắng rát lúc mưa dầm cũng đã nhọc nhằn nhiều phần  công  sức,  và  với  số  tiền  ít  ỏi  mà  chị  cố  gắng  kiếm được cũng không thể nào trang trải được hết những chi tiêu trong gia đình.

Gánh nặng của cuộc sống luôn đè trên đôi vai chị. Ngoài việc phải kiếm tiền nuôi hai con ăn học, chị còn chăm sóc cho người mẹ già yếu lẩn thẩn 78 tuổi, đôi mắt đã trở nên mù lòa sau cuộc phẫu thuật cắt cườm miễn phí ở mắt trái và di chứng của căn bệnh Zona hệ thần kinh ở mắt phải, khiến bà luôn phải chịu những cơn đau dữ dội thành từng cơn ở trong tai, ở đỉnh đầu, sự nóng rát của các vết bỏng trên khắp nửa khuôn mặt. Hằng ngày, sau mỗi buổi sáng lặn lội đi bán những tấm vé số trên khắp các nẻo đường, chị lại tất tả quay về lo cơm nước buổi trưa, thuốc thang cho Mẹ, bữa ăn cho kịp giờ hai con tan trường và đi học, rồi lại vội vã tiếp tục đi bộ hàng cây số để bán cho kịp giờ chiều.

Hai em An và Trúc lớn lên trong sự thiếu thốn, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về tinh thần. Sự mất đi người cha như là mất đi trụ cột vững chắc để gia đình nhỏ có thể thoát ra cảnh nghèo khổ túng thiếu hay ít nhất cũng không phải lo đến cảnh đói no mỗi bữa. Mỗi ngày mỗi lớn, hai anh em đã biết phụ mẹ trong những việc nhỏ của gia đình, tự biết chăm sóc lẫn nhau và chăm chỉ nỗ lực để đạt kết quả tốt trong học tập. Mỗi một mùa hè đến, anh em Trúc lại chở nhau sang xưởng gia công lông mi giả của một người bà con trong gia đình để làm thêm, được đồng nào đem mua sách, vở, bút, viết đồng đó, phần còn lại thì dành dụm cho học phí của năm học sắp đến.

Vất vả là thế, khó khăn là thế nhưng chị vẫn cố gắng vươn lên với một ý chí bền bỉ và đầy nghị lực. Nhìn hai em An và Trúc đang từng bước một thành công trên con đường học  tập  của  mình  chính  là  động  lực  sống  và  niềm  hạnh phúc lớn lao nhất của người mẹ nghèo. Ước mơ cuả hai em chỉ là đủ chi phí để có thể tiếp tục được đến trường, An sẽ cố gắng học tập thật tốt trong năm cuối của mình trên giảng đường, Trúc cũng sẽ cố gắng nỗ lực chuẩn bị hành trang cho mình ở những năm cuối cấp rồi thi vào đại học, sự quyết tâm ở hai em có được một phần vì rất thương mẹ, một phần là mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo. Em Trúc đã bốn năm liền đạt học bổng dành cho học sinh nghèo và hiếu học của CEP.

Đã  từng  nghe  ở  đâu  đó  người  ta  nói  với  nhau  rằng: “Ở đâu có sự xuất hiện của bế tắc từ sự tuyệt vọng, từ bi kịch của  bệnh  tật  và  đói  nghèo  thì  ở  nơi  đó  người  ta  sẽ  tìm thấy được ánh sáng hy vọng của tương lai, của niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất…”.Và trong ngôi nhà nhỏ của người phụ nữ tưởng chừng như rất yếu đuối nhưng đầy nghị lực phi thường này đã cho chúng ta thấy những giá trị sống đầy tích cực và rất tốt đẹp